Bất
đồng quan điểm về xử phạt “xe không chính chủ”
(Dân trí) - Bộ GTVT vừa hoàn tất Dự thảo Nghị định 71 sửa đổi về
xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ-đường sắt (lần
3). Trong Dự thảo mới, Bộ GTVT loại bỏ quy định xử phạt “xe không chính chủ”,
nhưng Bộ Công an lại kiên quyết bảo lưu.
Nội dung Dự thảo Nghị
định 71 được đăng tải trên website của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) để lấy ý
kiến các Bộ ngành và nhân dân trước khi trình Chính phủ tập trung vào 7 nội dung
quan trọng là những bất cập cần sửa đổi, mức phạt các hành vi vi phạm, phân
định thẩm quyền xử lý và xử phạt vi phạm, tạm giữ giấy tờ và phương tiện...
Bộ GTVT và Bộ Công an có quan điểm trái ngược về việc xử phạt xe
không chính chủ
Riêng vấn đề liên quan đến xử phạt đối với chủ phương tiện vi phạm
hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định (thường gọi là xe
không chính chủ - PV) đang tồn tại nhiều ý kiến khác nhau, vì vậy trong Dự thảo
đưa ra 2 quan điểm song song để trưng cầu ý kiến nhân dân.
Trong đó, quan điểm thứ nhất đề nghị tiếp tục quy định xử phạt đối
với hành vi vi phạm nói trên trong Nghị định 71 sửa đổi để buộc chủ phương tiện
phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về đăng ký phương tiện. Tuy
nhiên, cần mô tả lại hành vi vi phạm và điều chỉnh lại mức phạt cho phù hợp với
quy định của Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành pháp
luật có liên quan.
Quan điểm thứ hai cho rằng chưa quy định xử phạt đối với các hành
vi vi phạm nói trên trong Nghị định 71 sửa đổi, vì mức xử phạt quá cao, qua
thực tiễn triển khai thực hiện Nghị định này cho thấy tính khả thi chưa cao,
chưa nhận được sự đồng thuận của đại đa số quần chúng nhân dân. Ngoài ra, các
quy định hiện hành liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu phương tiện (đăng ký
lại phương tiện sau khi được mua, cho, tặng, thừa kế) còn chưa thật sự thuận
lợi dẫn đến còn tồn đọng một số lượng lớn xe chưa chuyển quyền sở hữu.
Cơ quan soạn thảo Nghị định cho biết, trong khi Bộ GTVT muốn bãi
bỏ quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sang tên đổi chủ thì Công an lại
quyết bảo lưu quy định này trong Nghị định, vì thế cơ quan soạn thảo buộc phải
đưa cả 2 quan điểm nói trên vào Dự thảo Nghị định.
Như vậy, do không thống
nhất được ý kiến trong Ban soạn thảo nên về việc duy trì hay bãi bỏ quy định xử
phạt hành vi vi phạm không chuyển quyền sở hữu phương tiện sẽ do Chính phủ
quyết định.
Theo kết quả thăm dò trên báo điện tử Dân trí, 88% ý kiến tán
thành quan điểm của Bộ Giao thông vận tải, tức chưa xử phạt xe không chính chủ.
Trong Dự thảo Nghị định lần 3 này cũng không quy định xử phạt chủ
phương tiện không nộp phí bảo trì đường bộ. Quy định này sẽ được đưa vào Nghị
định về xử phạt phí và lệ phí.
Một điểm mới trong Dự thảo lần 3 là quy định xử phạt hành vi đội
mũ bảo hiểm không đảm bảo 3 thành phần cấu thành là vỏ mũ, đệm hấp thụ xung
động và quai mũ. Nếu người tham gia giao thông cố tính đội loại mũ không phải
mũ bảo hiểm thì coi như không đội và bị xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng/lần
vi phạm.
Ngoài ra, Dự thảo lần này gần như giữ nguyên các quy định về mức
phạt tiền và hình thức xử phạt bổ sung đối với cá nhân, tổ chức khi vi phạm
những hành vi là nguyên nhân hoặc tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn giao
thông; Việc quy định xử phạt đối với chủ phương tiện (xe ôtô) khi để người điều
khiển phương tiện (người làm công) vi phạm một trong các hành vi: chở quá số
người quy định, chở quá tải trọng, quá khổ giới hạn cho phép, điều khiển xe ô
tồ liên tục quá thời gian quy định;
Việc phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh
vực giao thông đường bộ, đường sắt đối với Cảnh sát giao thông đường bộ, Cảnh
sát giao thông đường sắt, các lực lượng Cảnh sát khác (không phải là Cảnh sát
giao thông đường bộ, đường sắt) và Thanh tra giao thông vận tải chuyên ngành;
Việc quy định thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt của các chức danh (tại Điều 71,
Điều 72, Điều 73, Điều 75 của Dự thảo Nghị định); Quy định tạm giữ phương tiện,
giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm (tại Điều 77
của Dự thảo Nghị định).
Được biết, sau khi lấy ý kiến các Bộ ngành và nhân dân, Bộ GTVT sẽ
trình Chính phủ Dự thảo này trong tháng 5. Nếu được Chính phủ phê duyệt thì
Nghị định 71 sửa đổi về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông
đường bộ-đường sắt sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét